Cách biến quyết định xin nghỉ việc thành nghệ thuật ứng xử

Đối với lực lượng lao động trẻ, nhảy việc đã trở thành xu hướng phổ biến. Theo một thống kê chưa đầy đủ, ở Hà Nội có khoảng 70% lao động trẻ vào làm doanh nghiệp trong khoảng 6 tháng rồi nhảy sang công ty khác. Trong đó, khoảng 70% lao động trẻ ra đi vì mức lương, 50% làm việc không hiệu quả, 40% không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp và trên 30% thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Đặc biệt, thời điểm đầu năm mới cũng là giai đoạn các công ty tăng cường tuyển dụng để bù đắp vào số nhân viên thiếu hụt do hiện tượng nhảy việc gây ra.


Đa số các nhà tuyển dụng cho biết, nhảy việc là hiện tượng bình thường trong giới trẻ hiện nay bởi tâm lý của người trẻ tuổi năng động, không chấp nhận những công việc đơn điệu mà muốn tìm môi trường tốt để khẳng định bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít các bạn trẻ đang nhảy việc vì những đòi hỏi thiếu thực tế mà chưa biết nắm bắt cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bản thân trong sự nghiệp.

Theo lời khuyên của các nhà tuyển dụng, nhảy việc có thể mở rộng con đường thăng tiến nhưng hết sức cẩn trọng vì nó là con dao hai lưỡi. Do đó, hãy khi đưa quyết định thôi việc một cách có văn hóa để khi bạn rời khỏi công ty cũ bạn vẫn lưu lại những ấn tượng tốt đẹp.

Trước khi gửi đơn xin thôi việc, ngoài việc hoàn thành nốt các công việc dở dang của bạn, cùng việc tuân thủ quy định của Luật Lao động hiện hành, thỏa ước lao động tập thể, bạn cần nắm rõ vài kỹ năng giúp bạn ứng xử có văn hóa khi đưa ra quyết định thôi việc:

Giữ yên lặng
Theo Bà Marie McIntyre, tác giả cuốn sách “Bí mật để chiến thắng tại văn phòng”, quản lý của bạn có thể cho rằng việc bạn muốn bỏ đi như một sự phản bội, thế nên tốt nhất hãy giữ bí mật. Ngay khi cấp trên của bạn biết bạn đang tìm việc khác, bạn sẽ bị xem là người làm việc ngắn hạn và đánh mất những cơ hội giá trị, như: thăng tiến, tăng lương, phân công công việc, hay khóa học đào tạo.

Thể hiện sự tôn trọng qua thư
Bạn nên dành một chút thời gian và công sức cho bức thư xin để chứng tỏ sự tôn trọng của bạn với ban lãnh đạo công ty, đồng thời thể hiện trách nhiệm của bạn với công việc và để công ty có kế hoạch tìm người thay thế vị trí của bạn. Trong thư bạn nên trình bày bạn đã trưởng thành hơn trong công việc như thế nào và gửi lời cám ơn tới những người đã giúp đỡ bạn.

Nếu bạn xin nghỉ việc vì một lý do nào đó như : Bức xúc với thái độ của đồng nghiệp hay là thái độ nóng giận nhất thời, bạn có thể chia sẻ với cấp trên để họ có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bạn và giải quyết giúp bạn.

Thân thiện, chuyên nghiệp đến phút chót

Trước khi rời khỏi cơ quan, bạn cần luôn giữ thái độ hòa nhã, thân thiện và tôn trọng với cấp trên và đồng nghiệp. Hãy cẩn thận chuyển giao công việc cho người kế nhiệm và chia tay với mọi người một cách thân thiện, vui vẻ bởi nhận xét của sếp cũ luôn đóng vai trò quan trọng khi bạn đi phỏng vấn xin việc ở công ty mới.

Cân nhắc thời điểm ra đi và giữ mối quan hệ tốt với công ty cũ

Nếu bạn xin thôi việc vào đúng thời kì công ty đang khó khăn hay gặp trục trặc trong việc kinh doanh đó có thể là sự hiểu lầm bạn “đứng núi này trông núi nọ”, mặc dù nguyên nhân thực sự không phải thế. Vì vậy, nên cân nhắc thật kỹ thời điểm ra đi.

Dù đã xin thôi việc ở công ty cũ bạn cũng nên duy trì mối quan hệ tốt với cấp trên và đồng nghiệp. Bạn có thể gửi tin nhắn hay gửi lẵng hoa chúc mừng sinh nhật sếp cũ hay đồng nghiệp cũ, ngày thành lập công ty hay một sự kiện nào đó diễn ra thành công. Sẽ rất thú vị nếu công ty cũ và công ty mới của bạn sát nhập làm một.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *